"Tôi khóc những chân trời không có người bay
Lại khóc những người bay không có chân trời" (Trần Dần)

Thứ Tư, 29 tháng 6, 2011

Chuyện đời sống năm 1980 - P2

VƯƠNG TRÍ NHÀN
16/6
Phổ biến một nghị quyết mới, có các nhận định.- Người ăn lương đã đến mức không thể chịu được nữa.
- Chống tiêu cực, không chống nổi.
- Ta đầu tư vào xây dựng cơ bản quá nhiều. Nhiều công trình đắp chiếu nằm đấy, khi xong cũng đã lạc hậu.

Sẽ gần như không chiêu sinh đại học thời gian tới. Học sinh hết lớp 10 chuyển về nông thôn, vào vùng B2 cũ, đi xuất khẩu lao động.


Báo
Nhân dân ngày 17-6 trong mục bạn đọc viết, nêu 3 việc:
1. Nhiều người khai man về lương thực
2. Một xe lửa ra khỏi Vinh 2km thì... đỗ lại để cho con buôn vứt hàng lên tàu. (Hôm nọ, đã có chuyện: nhân viên nhà ga, mang xăng lên tàu, để xăng cạnh bếp, xăng bốc cháy, cả một toa tàu đi đời)
3. Công ty san nền chở thuê cho xí nghiệp Chùa Bộc một số than. Không có tiền lót tay cho lái xe họ không chịu chở. Bàn đưa tiền này cho công ty san nền biến thành tiền thưởng. Công ty này làm một thời gian, lại không chịu, xui lái xe đòi tiền tiếp.


Chị M. hàng xóm kể: Một bà ở cơ quan có một đứa con gái chủ nhật nào cháu cũng dậy sớm, khăn áo chỉnh tề, vào thăm Lăng. Dậy sớm, mệt, bụng đói. Nhưng cố đi để tha bằng được một cái bánh mỳ về nhà gặm ăn, và sung sướng vì đã kiếm ra tiền.

Nhiều nhà, trẻ con rất hay xếp hàng thăm Lăng (phải ăn mặc rất đẹp) cũng là cốt để mua bánh mì rẻ. Ba hào một cái.

Các nghề ở mỏ đều sớm hủy hoại con người. 30 tuổi không lái xe nổi nữa. Người yếu, mắt kém. Năng suất không lên được. Bữa cơm công nghiệp của công nhân nhà nước cho 5 hào. Mua được 5 củ khoai tây luộc.


Trên bảo: có 1,5 triệu đảng viên. Nói hơi quá lên, thì có đến 0,5 triệu hỏng, đuổi ra khỏi Đảng cũng không tiếc, miễn là đảng trong sạch.

Tôi nghĩ thế còn trình độ? Trong sạch làm sao có thể tách rời trình độ. Vì sự dốt nát đẻ ra không trong sạch.8/7
Ông Nguyên Ngọc (Bí thư Đảng Đoàn Hội) phổ biến một số ý của ông Thọ. Ta không ngờ khả năng quản lý của ta lại kém đến vậy. Kế hoạch lung tung. Có 7000 công nhân máy kéo. Mà đi nhập một lúc 70.000 máy (ở các nước, 3 công nhân một máy kéo).

Nhà máy đường Văn Điển năng suất 20 vạn tấn/năm thực chất chỉ làm được có vài vạn tấn. Vì không có mía. Giá thu mua mía 6 xu 2/1kg, người ta không làm. Nhà máy đường trình quy hoạch lên trên 10 năm nay chưa được thông qua.
Thuế nông nghiệp thất thu 50%.
Giáo trình của trường tài chính 20 năm nay không đổi. Cán bộ (cả trung cao cấp) mệt mỏi, hưởng lạc. Thông thường, hiện nay, cán bộ dưới giỏi hơn cán bộ trên.

Về chiến tranh ở Cămpuchia hiện nay (vẫn lời ông Thọ) ta không thể chủ động như trong chiến tranh giải phóng. Thương vong trên mặt trận Cămpuchia 1 ngày tính bằng con số hàng ngàn (?)

18-7

- Cơ quan Hội Liên hiệp VHNT không có thuốc phát cho anh em.
- Xà phòng mậu dịch từ 0,7 đến 3,5đ

Bà Đậu theo thuyền vượt biên không thoát, bị bắt về Hà Nội. Người ta báo cho cơ quan cũ đến thăm, không ai dám đến. Ông Phong Lê, bà Vân Thanh, bà Chu Nga xin thế vào xuất ấy. Ông Phạm Huy Thông (Tiếng địch sông Ô) và ông Hoàng Trung Thông (Mà vẫn mênh mông bát ngát tình) đều lớn tiếng phê bình: sao lại nhân đạo chung chung thế. Nhỡ bà Đậu là gián điệp thì sao?

26/7
Mưa bão. Nhiều cây đổ trên các ngả đường. Dân ra cắt ngay, Cty công viên khỏi phải dọn.

Mất điện 3 ngày liền. Mất luôn cả nước, trong khi đó mưa vẫn to. Có nhà đục ống máng ra, lấy nước. Có lẽ nhà ấy nuôi lợn.
Sau bão, có thông báo: các khu phố cứ một ngày có điện, lại một ngày mất điện (không kể hàng ngày cả thành phố cắt từ 5h sáng đến 6 giờ chiều).Thư viện Quốc gia vắng teo, vì không có điện. 5h30 chiều thư viện đóng cửa.

6/8
Những ngày cả nước “rồ” vì Phạm Tuân:
- Cho Phạm Tuân huân chương Hồ Chí Minh hạng nhất (tướng G. chỉ được hạng ba)
- Sẽ làm cho cả nhà cửa.
- Một cô phóng viên bảo Phạm Tuân, anh có thấy không, trong 35 năm từ sau cách mạng tới nay, tám ngày vừa qua là tám ngày vẻ vang nhất của dân tộc.

Công trường cầu Thăng Long cứ bỏ đấy, không làm nốt được. Vì không có cán bộ để làm. Cả công trường không có lấy một chỗ uống nước cho công nhân. Chỉ có một vài quán phe phẩy. Công nhân không có gì ăn. Chỉ có ăn cắp. Ăn cắp 10kg xi măng trở lên mới bị bắt. Mà ăn cắp 5kg mới đủ sống.
Vừa rồi Ty công an đã cho bắt mười mấy người. Đại loại, một tay chuyên môn mua quang sọt cho công trường, ăn cắp khoảng 20 vạn.

Tất cả các điều được ghi trong hiệp ước Việt xô không được thực hiện. Tại Liên xô chăng? Không, tại ta. Không chuyển gì về tổ chức cả.

Ông Hoàng Thế Dũng ở báo Quân đội hồi 63 bị bắt ra sao? Đang làm phó tổng biên tập thì bị xe chắn ngang đường. Bắt đi tù, sau đó 4 năm cho về cạo rỉ ở nhà máy xe đạp, 4 năm nữa cho về nông thôn.
Gần đây, có người đến bảo ông không làm sao cả. Tự do. 6 tháng mới được phục hồi. Người vợ đã bỏ đi lấy người khác, con đã ly tán cả. Bây giờ về Thư viện quân đội.
Chuẩn bị lấy mấy chục nghìn lương trung tá từ đó đến nay.
Ca vè dân gian:
- Ăn rau muống, uống nước ao, nói chuyện tào lao, bay vào vũ trụ
- Bay vào vũ trụ làm chi
Sao không lo gạo lo mì cho dân

Sự kiện Ba Lan cuối tháng 7 đầu tháng 8. Bãi công, đòi những người cầm đầu Đảng & nhà nước phải dần dần từ chức hết, kể cả Bí thư thứ nhất. Không manh động, nên quân đội Liên xô không dám làm gì. Đưa ra 21 yêu sách thì 20 yêu sách rưỡi phải chấp nhận ngay từ đầu.


Bài của ông Kania, dịch in trên báo
Nhân Dân ngày 17-9, mở đầu bằng những câu rất hay: Trong suốt cuộc đời theo Đảng của mình chưa bao giờ tôi thấy tình hình đất nước bi đát và phức tạp như thế này.
Kania có một nhận thức rõ ràng, chính xác - dẫu sao, Đảng cũng chỉ là một bộ phận của dân tộc, Đảng không thể thông minh hơn dân tộc được.
Thực ra, toàn bộ tình hình Ba Lan cũng buộc người ta phải đặt vấn đề như vậy. Bản thân hành động tháng 7 vừa rồi, chứng tỏ giai cấp công nhân không chịu nhận Đảng làm giới hạn. Giai cấp công nhân còn thông minh hơn Đảng nhiều.

Giai thoại

Việt Nam bị Liên hợp quốc đuổi. Nằn nì mãi, nó bắt phải khai lại lý lịch.
Họ và tên: An Nam, tức Việt Nam
- Nghề chuyên môn: đi ăn xin...
- Anh em: Cămpuchia và Lào nhưng đều vô nghề nghiệp
- Sở trường: đánh nhau
- Mức sống: thấp nhất thế giới.
... Nếu ở lại, xin tích cực đóng góp vào việc thảo nghị quyết.

Một tờ báo Pháp
:Nước Việt Nam luôn luôn nói theo CNXH nhưng họ lại hành động như chủ nghĩa đế quốc và sống như chủ nghĩa phong kiến.
Sinh ra trong nghèo đói, hiện nay đất nước đó lại đang hấp hối trong nghèo đói.

Ông tổng thư ký Liên hợp quốc họp báo ở Paris sau chuyến đi Việt Nam

Ở đây, khi lương người nhân viên bình thường, không mua nổi 2kg thịt 1 tháng thì không thể bàn về nhân quyền được. Miền nam đó là một thuộc địa của Mỹ nhưng Hà Nội là một thành phố chuồng chim.
Nghề của tôi là đọc diễn văn và nhiều lúc tôi chán ngấy việc này. Nhưng ở Việt Nam, nhà cầm quyền được tiếng là kiên cường, không hề có việc gì khác, ngoài việc đọc diễn văn. Họ, trong lúc này, không biết lo cho dân họ việc gì cả. Trước đây ít ngày tôi từng phải tham gia một hội nghị chống di tản. Tôi không thích gì việc di tản. Nhưng đến Việt Nam lần này, tôi hiểu tại sao người ta di tản. Đó là cái cách duy nhất giúp cho người ta tồn tại.
Tôi hiểu 25 vạn người Việt Nam đi, được nước Mỹ trợ giúp. Tôi muốn người Mỹ làm việc đón tiếp tốt hơn để những người khác có thể tiếp tục di tản.10/10
Đâu cũng thấy tin đồn nhóm diễn viên Vân Khánh trốn đi nước ngoài. Họ lấy cớ đi biểu diễn, xuống Quảng Ninh rồi đi.
Trước đó, hai vợ chồng Vân Khánh giả vờ ly dị. Đến khoản chia gia tài, họ bảo: thôi, để bán đi, lấy tiền chia cho tiện.
Rút cục, họ giải quyết được việc đi khá dễ.

Nghe nói một sinh viên ta từ Liên xô đi tham dự cuộc thi toán quốc tế ở Anh trốn vào đại sứ quán Anh.
Có người thông cảm: Thôi ai được, may người ấy.

Một bài báo của Tây Đức về Việt Nam có cái tít nhỏ: Một dân tộc lêu lổng.
Một bộ phim của Thuỵ Điển chiếu cho quốc hội hồi trước, đã có nhan đề Một dân tộc không thể cộng tác. Nay lại có một phim khác mang tên Một dân tộc không thể khôi phục.

Ông Lê Văn Lương, đến hội nghị mừng công của nhà máy sản xuất quạt.
- Các đồng chí có nói thiếu điện và thiếu nguyên vật liệu.
Về điện, tôi không biết nói thế nào. Tất cả cười. Ông nghỉ một lúc. Còn về nguyên liệu, các đồng chí chịu khó chạy lấy.
Ma Văn Kháng bảo y như một ông nông dân.
Sự khốn khó của kiếp người
Cách đây mấy tháng, ở chợ Hôm có một vụ đốt nhà giết người. Hai người hàng xóm ở cùng nhau, cùng là dân phe. A đổ xăng ra nhà, đốt, cho B chết với cả chồng, con, 1 đứa con trong bụng = 4 ngườiNgười ta ồn lên vì nỗi giết người.Toà xử tử hình.Nhưng tất cả người đi dự phiên toà xin phạt nhẹ hơn. Ai cũng thương khóc.A. là một người con gái khoảng 20 tuổi. Người nông thôn, nhưng vì gia đình mẹ chết, bố đi lấy vợ, nên bỏ lên Hà Nội.Lấy người chồng bây giờ là lấy lẽ. Chồng hiện thời đi cải tạo lao động ở đâu rất xa. Chị ta phải tần tảo nuôi mẹ chồng, nuôi con. Người rất tử tế.Trong khi đó, vẫn là tạm trú ở Hà Nội, vẫn không có hộ tịch.Đối thủ của chị ta cũng trẻ như chị cũng dân phe phẩy. Nhưng mụ rất ác.Mụ từng bắt chồng ngồi yên để đánh.Gửi con ở nhà mẹ đẻ, có chút gì đó phải lôi về, mụ riếc móc: Phen này thì ngồi đấy mà há mồm.Hai nhà đã chửi nhau đánh nhau nhiều phen. Trong phiên toà, A kể có những lần đánh nhau, mụ B cắn đứt đầu vú chị ta. Trông thấy, ai cũng rùng mình.Bởi vậy, A nghĩ nếu không giết nó nó cũng giết mình chết.Lúc A đi lùng mua xăng, một ý nghĩ loé ra. Đốt cho nó chết, rồi mình cũng đâm đầu vào đấy chết luôn thể.Nhưng hỏi mãi, chẳng thấy đâu có bán xăng. May có một người đến phố Huế, đâu 2,5đ một lít.A giục mẹ ẵm con đi, một mình ở nhà hành sự. Để thùng xăng cạnh cửa, giả vờ làm cháy cái gì đó, B chạy ra, ẩy cửa, xăng đổ tung toé. Lửa thiêu chết cả mấy người.A thấy cái chết sợ quá bỏ trốn.Sáng sớm, ra bến ô tô về quê, có mấy gã con trai tưởng ả là gái làm tiền trêu, ả bảo đừng có trêu tao, tao vừa đốt nhà thiêu chết người đây. Công an nghe tiếng bắt lại.Ra toà, A chỉ bảo:- Tôi xin nhận tội chết. Chỉ xin cho con tôi bú một lần cuối cùng.
Sao mà có hơi hướng Dostoievski quá. Xã hội xấu, đẩy người ta vào vòng tội ác. Trần Vũ Mai bảo chính người tốt người ta mới hay phẫn trước mọi việc bất công và sinh ra làm liều
Xem bài đầy đủ (click here)